Nhiều người ngừng sử dụng thẻ ngân hàng đến hơn 10 năm, nhưng bất ngờ phát hiện ra mình mắc nợ tiền triệu do cộng dồn loại phí duy trì, phí thường niên.
Nhiều ý kiến cho rằng chủ thẻ không sử dụng dịch vụ mà vẫn thu phí là không hợp lý. Các ngân hàng cần gửi thông báo bằng thư hoặc gọi điện xác minh những tài khoản không có giao dịch thay vì im lặng để tính phí.
Tá hỏa mang nợ vì thẻ
Sau khi kiểm tra tình trạng 6 thẻ đã lâu không sử dụng, anh N.T.D.Phương (TP.HCM) bỗng dưng phát hiện mình nợ ngân hàng 2,2 triệu đồng.
Với 6 cái thẻ tại 6 ngân hàng, có hai nơi vẫn duy trì thẻ hoạt động bình thường, nợ tồn do phí thường niên, duy trì tài khoản. Trong đó một nhà băng thu phí thường niên từ năm 2012 đến nay hơn 600.000 đồng.
"Một ngân hàng khác báo mình đang nợ phí quản lý tài khoản hơn 1,6 triệu đồng. Gọi điện, ngân hàng giải thích nếu số dư tài khoản dưới 300.000 đồng thì bị trừ 11.000 đồng/tháng, mãi từ năm 2015 đến giờ", anh Phương nói.
Còn lại một số ngân hàng đã hủy tài khoản sau vài năm do không phát sinh giao dịch, nên không có dư nợ. "Ai không xài tài khoản nào nữa thì kiểm tra luôn nhé, dù là bất kỳ ngân hàng nào, chứ không lại có phiền hà", anh Phương chia sẻ.
Chị Hồng Hạnh (TP.HCM) đồng cảnh khi không sử dụng thẻ 10 năm nhưng mới đây tá hỏa phát hiện ngân hàng vẫn ghi nợ 1,5 triệu đồng tiền duy trì tài khoản.
Ông Nguyễn Minh - một người dùng thẻ khác - cũng nói tự dưng có khoản nợ cả thập kỷ trước tại ngân hàng. Điều đáng nói ông không nhận được bất kỳ cuộc gọi hay tin nhắn nào về việc thu phí thường niên.
Sau khi Tuổi Trẻ đăng bài "Thẻ ATM, Visa ngưng giao dịch nhiều năm vẫn bị tính phí, ghi nợ", rất nhiều độc giả cũng chia sẻ những trớ trêu từ bản thân.
"Năm 2015 tôi về đơn vị mới, đi làm thẻ khác. Đến năm 2021 lại chuyển về đơn vị cũ, tôi ra ngân hàng làm lại thẻ để nhận lương. Nhân viên ngân hàng báo còn nợ phí là 470.000 đồng do không khóa thẻ lúc chuyển đi", một độc giả bình luận.
Nhiều độc giả khác cũng cho rằng các ngân hàng cần phải gửi thông báo bằng thư hoặc gọi điện xác minh những tài khoản không có giao dịch, thay vì im lặng để tính phí.
Vì sao không đóng tài khoản khi khách ngưng giao dịch nhiều năm?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Đức Lệnh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - cho biết việc mở và sử dụng tài khoản ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể tại thông tư hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán.
Việc đóng tài khoản phải tuân thủ đúng quy định. Các ngân hàng chỉ thực hiện tạm khóa, đóng tài khoản khi có yêu cầu từ khách hàng. Có ngoại lệ trong trường hợp chủ tài khoản chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán theo quyết định cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc chưa thanh toán xong các khoản nợ phải trả cho tổ chức cung ứng dịch vụ nơi mở tài khoản.
Đối với câu hỏi về thời hạn đối với việc đóng tài khoản do không duy trì số dư tối thiểu và không phát sinh giao dịch trong thời gian dài, ông Lệnh cho biết sẽ do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (ngân hàng) quy định và thông báo công khai với khách hàng.
Như vậy việc đóng tài khoản sẽ được quy định chi tiết ở từng ngân hàng. Theo tìm hiểu của phóng viên, có trường hợp ngân hàng chủ động rà soát khách hàng không giao dịch trong một thời gian nhất định để hủy thẻ, khóa tài khoản.
Tuy nhiên không phải ngân hàng nào và bất kỳ trường hợp khách hàng nào cũng vậy. Do vậy, tốt nhất khách hàng nên tránh phát sinh phiền toái bằng cách chủ động đóng tài khoản khi không còn nhu cầu sử dụng.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho rằng các ngân hàng thương mại cần đặc biệt quan tâm và phải làm thường xuyên, liên tục việc thông tin, tư vấn dịch vụ thẻ.
"Phải xem đây là nhiệm vụ của chính mỗi ngân hàng để không chỉ thu hút khách hàng, mà còn giúp khách hàng và cả nhân viên ngân hàng nhận thức đầy đủ về thẻ ngân hàng. Điều này sẽ hạn chế những phát sinh liên quan ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước TP.HCM nhấn mạnh.