top of page
Ảnh của tác giảIncognito

Chưa giải ngân được gói hỗ trợ thuê nhà 6.600 tỷ đồng

Địa phương còn hoàn thiện thủ tục, doanh nghiệp, lao động đang làm hồ sơ nên gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng chưa được giải ngân, sau gần hai tháng Chính phủ phê duyệt.


Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tới hết ngày 16/5, có 53 địa phương ban hành kế hoạch triển khai gói hỗ trợ; hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên không có lao động thuộc chính sách hỗ trợ và 8 tỉnh chưa có kế hoạch.


Cục Việc làm giải thích gói hỗ trợ chưa thể chi trả cho người lao động vì các địa phương đang rà soát, hoàn thiện các thủ tục. Doanh nghiệp, người lao động đang làm hồ sơ, lập danh sách và qua các bước xác nhận từ cơ quan chức năng. Theo quy định, doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ gộp 2-3 tháng nên nhiều nơi chờ đủ thời gian để làm gộp, sớm nhất đầu tháng 5 mới tập hợp đủ hồ sơ.


Nhiều lao động cho biết đang xin xác nhận từ chủ trọ do đầu hoặc giữa tháng 5 mới nhận được thông báo từ công ty, cá biệt có công nhân không biết về chính sách vì "không thấy công ty thông báo".

Hôm 27/4, TP Hà Nội ban hành kế hoạch triển khai hỗ trợ, ủy quyền cho quận huyện chi trả, không cần lên cấp thành phố xét duyệt hồ sơ. Hai tuần sau, anh Nghị, làm việc trong một doanh nghiệp sản xuất linh kiện đóng tại KCN Bắc Thăng Long mới nhận được email của công ty gửi mẫu đơn kèm yêu cầu công chứng tạm trú để làm hồ sơ, hạn nộp cuối tháng 5, gộp một lần cho cả ba tháng.


Anh Nghị cùng bạn thuê trọ tại xã Võng La, huyện Đông Anh, cách nơi làm việc hơn hai cây số. Mỗi tháng, Nghị chi khoảng 1,5 triệu trả tiền thuê phòng và điện nước. Tính ra, khoản hỗ trợ 500.000 đồng mỗi tháng, liên tục ba tháng chỉ vừa đủ một tháng tiền phòng, song "được đồng nào quý đồng ấy".


Hợp đồng thuê phòng và tạm trú đều làm đầy đủ, anh Nghị thấy không thành vấn đề khi xin chữ ký bởi chủ nhà trọ ở kề bên. Song với yêu cầu công chứng tạm trú từ phía công ty, anh sẽ phải tranh thủ tan ca sớm để sang UBND xã Võng La xin dấu xác nhận của chính quyền.


Anh Lê Hiếu, công nhân doanh nghiệp linh kiện điện tử cùng KCN Bắc Thăng Long đến giờ này chưa hề nhận được thông báo từ bộ phận nhân sự để làm hồ sơ, dù đã nghe thông tin về gói hỗ trợ gần hai tháng trước và thấy bạn bè ở công ty khác rục rịch nộp đơn. "Nếu công ty có thông báo thì làm, không thì thôi", nam thanh niên nói.

Phòng trọ của một lao động ở Đông Anh, Hà Nội, tháng 2/2022. Ảnh: Ngọc Thành
Phòng trọ của một lao động ở Đông Anh, Hà Nội, tháng 2/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn đang mắc ở khâu đầu tiên là nhận đơn đề nghị vì phải chờ công nhân xin được xác nhận của chủ nhà. Ngoài ra theo quy định, công ty nhận đơn, lập danh sách, niêm yết công khai trong ba ngày rồi nộp cho Bảo hiểm xã hội, có thể xác nhận gộp 2-3 tháng. Nhiều nhà máy chọn cách tập hợp đủ hồ sơ để gửi một lần, không "xé lẻ" để đỡ mất công và người lao động không phải làm đơn nhiều lần. Công ty Meko (KCN Thạch Thất, Hà Nội) có hơn 5.000 lao động đang làm việc và khoảng 600 công nhân trong số này đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ từ gói. Ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch công đoàn, cho biết sau khi Hà Nội ban hành kế hoạch, đầu tháng 5 công ty mới có thể thông báo cho lao động làm hồ sơ. Đến nay các khâu "vẫn chưa đâu vào đâu" do người lao động nộp đơn nhỏ giọt vì còn phải xin xác nhận của chủ nhà. Dù chưa có phản ánh trực tiếp từ người lao động, ông Hải cho rằng chắc chắn mất thêm thời gian do không phải chủ nhà nào cũng có mặt tại địa phương để xác nhận cho người lao động và không phải ai cũng sẵn lòng cung cấp số căn cước hay chứng minh thư. "Công nhân đi làm cả ngày, chưa kể tăng ca, không phải lúc nào cũng ở nhà để có thể xin được xác nhận từ chủ trọ", ông nói.

Thủ tục nhận tiền thuê trọ từ gói hỗ trợ 6.600 tỷ. Đồ họa: Tạ Lư
Thủ tục nhận tiền thuê trọ từ gói hỗ trợ 6.600 tỷ. Đồ họa: Tạ Lư

Tương tự, Công ty Hosiden (KCN Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang) cũng đang tập hợp toàn bộ danh sách lao động cần hỗ trợ từng tháng và giải quyết một lần để công nhân đỡ mất công xin giấy tờ. Trong số hơn 6.000 công nhân làm việc có hàng nghìn lao động đủ điều kiện nhận 500.000 đồng mỗi tháng. Ngoài đơn hỗ trợ theo mẫu, doanh nghiệp đề nghị người lao động photo bản tạm trú để nộp lại. Theo ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch công đoàn công ty, khâu này không phát sinh thủ tục vì không cần công chứng hay xác nhận từ địa phương, mà lưu lại hồ sơ bởi doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính chính xác thông tin của người cần hỗ trợ. Trong tuần này, công ty sẽ chốt danh sách và chuyển về cơ quan Bảo hiểm xã hội để xác nhận. Ông Tân nhận định thị trường phục hồi nhanh hơn dự kiến, giai đoạn thiếu lao động trầm trọng rơi vào hai tháng sau Tết. "Tháng 2 -3 là lúc người lao động cần được hỗ trợ nhiều nhất. Đến nay, mọi thứ đã dần ổn định, thậm chí nhu cầu về lao động phổ thông còn thừa", ông nói, song nhấn mạnh khoản tiền vẫn cần thiết để công nhân bù vào các khoản như xăng xe, thực phẩm tăng giá chóng mặt. Đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết đã nhận được phản ánh tiến độ triển khai gói hỗ trợ chậm. Trong tuần, các đoàn giám sát của cơ quan này sẽ làm việc tại một số địa phương trọng điểm, trong đó ghi nhận những vướng mắc để sớm có kiến nghị, giúp lao động nhanh chóng nhận được tiền thuê nhà. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đang trình Thủ tướng ban hành công điện đôn đốc các địa phương giải ngân gói hỗ trợ. Ngày 28/3, Chính phủ thông qua chính sách hỗ trợ tiền nhà cho lao động với mức 1,5-3 triệu đồng mỗi người, tối đa ba tháng. Hai nhóm thụ hưởng gồm người có hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đang làm việc trong doanh nghiệp và người quay lại thị trường lao động, làm việc khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế, 24 tỉnh thành thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm. Gói hỗ trợ nhằm "kéo" lao động quay lại doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường lao động đứt gãy, các nhà máy thiếu nhân lực sau Tết Nguyên đán. Nhiều người về quê và dự tính không trở lại thành phố.

Hồng Chiêu

Theo: VnExpress

Nguồn: https://vnexpress.net/chua-giai-ngan-duoc-goi-ho-tro-thue-nha-6-600-ty-dong-4464589.html

bottom of page