Đất đai lên cơn sốt từ thành thị đến nông thôn, từ biên giới đến hải đảo. Điều đó dường như cho thấy một bộ mặt xã hội phồn vinh, cảm giác người dân đang giàu có hơn. Nhưng, hệ luỵ của câu chuyện này là gì? Dưới góc nhìn của tác giả, chúng ta đang ăn cả tương lai qua việc thả giá đất.
Trong Hội thảo "Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19: Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương" do Hội đồng Lý luận trung ương tổ chức ngày 28-3-2022, Bí thư tỉnh uỷ Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết, có nhà đầu tư từng tham gia vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm (TP.HCM) đã trực tiếp gọi điện cho ông Hải, đề xuất: "Để tôi về đấu giá, nâng giá đất tỉnh anh lên".
Ông Hải đã từ chối để nghị của “nhà đầu tư” ấy, nhưng có địa phương khác, có người lãnh đạo khác, có lẽ không làm vậy, mà bị cuốn vào vòng xoáy của giá đất.
Giá đất lên cao thì thu ngân sách từ đấu giá đất lên cao, thu ngân sách địa phương lên cao, các mục tiêu thu ngân sách của địa phương sẽ dễ đạt được hơn.
Hôm Tết, tôi có dịp ngồi với nhiều nhóm bạn bè, quen biết khác nhau, thuộc nhiều thành phần khác nhau. Những người khá giả thì câu chuyện một lúc lại quay về với việc buôn bán đất, từ khoe chuyện nhà đang ở bây giờ lên giá bao nhiêu tiền, đến chuyện ông nọ, bà kia, anh ấy mua chỗ đất ấy, nhà ấy giờ giá bao nhiêu tiền,… nhiều người nuối tiếc vì không mua chỗ nọ, chỗ kia giờ lên giá quá. Quả là có nhiều người đã kiếm được nhiều tiền từ việc “đầu tư” vào đất đai.
Những cuộc nói chuyện với những người nông dân và người dân lao động thì hầu hết đều lo lắng chuyện mưu sinh hàng ngày, những khó khăn của bệnh dịch, cho dù vẫn nhắc đến chuyện ông kia, bà ấy ở trong làng cắt mảnh vườn ra bán, được từng nọ từng kia tiền, xây được cái nhà mới khang trang hơn.
Nhưng cũng có những câu chuyện khác Một người bạn của tôi, mười mấy năm nay đầu tư vào một doanh nghiệp sản xuất, và nguồn lực được tập trung vào việc đầu tư cho máy móc, thiết bị, đào tạo nhân viên, phát triển thị trường. Nhà xưởng sản xuất thì thuê lại của một chủ đầu tư khu công nghiệp. Nhà máy của anh ấy đang tạo ra khoảng 300 việc làm trực tiếp, chủ yếu cho những người cư trú gần nhà máy. Khu công nghiệp nơi anh đặt nhà máy ở gần Hà Nội, nơi đất ở đang lên cơn sốt từ những đợt đấu giá, và chủ đầu tư khu công nghiệp có lẽ không còn thấy mặn mà với việc duy trì nó. Đầu năm nay, anh bạn tôi nhận được thông báo chấm dứt các hợp đồng thuê nhà xưởng vào năm tới, chủ đầu tư khu công nghiệp hẳn đã không thể chịu được sức ép từ lợi ích vô cùng lớn nếu thành công trong việc chuyển đổi khu đất công nghiệp thành khu dân cư. Anh bạn tôi sẽ phải chuyển nhà máy đến một tỉnh khác, sẽ phải đương đầu với hàng loạt khó khăn khi phải thiết lập lại cơ sở sản xuất mới. Một phần lớn nguồn lực lẽ ra để phát triển sản xuất sẽ phải chuyển sang đầu tư vào thuê mua khu đất mới, vào đầu tư xây dựng nhà xưởng mới. Anh ấy có thể lái xe mỗi sáng thêm vài chục kilomet đến địa điểm mới, nhưng hầu hết công nhân hiện hữu của nhà máy thì không thể làm thế, họ sẽ mất công việc đang ổn định nhiều năm nay khi nhà máy chuyển đi. Trong những chuyến đi đến Đài Bắc, tôi thường đi xe thuê của một thanh niên quen biết ở đó. Cậu ấy đã dành khoản tiền bố mẹ cho và vay thêm để mua một chiếc ô tô, làm lái xe kiêm hướng dẫn viên cho khách đến thành phố. Sự thông minh, cởi mở và khiêm nhường khiến cậu có được nhiều khách nước ngoài đến Đài Bắc như tôi, không chỉ kiếm được tiền, cậu ấy cũng có được nhiều mối quan hệ, học hỏi được nhiều thứ. Nhưng trong những câu chuyện với tôi, cậu ấy khá bi quan về tương lai. “Tôi không thể xác định được mình sẽ làm thế nào để có thể tự mình kiếm được một chỗ ở, giá nhà quá cao ở Đài Bắc khiến những người trẻ tuổi như chúng tôi thấy bơ vơ, tôi cũng không thể về nông thôn vì không biết làm gì ở đó”. Câu chuyện của cậu ấy chắc chắn không xa lạ với nhiều thanh niên ở Việt Nam trong tương lai gần, khi việc tìm kiếm một chỗ ở trong đô thị rồi sẽ vượt quá khả năng của nhiều cư dân trẻ tuổi và trung niên. Và rồi tất nhiên, từ đó sẽ sinh ra những bất ổn xã hội khác, từ sự bế tắc sẽ dễ dàng sinh ra hỗn loạn và là mầm mống của các tệ nạn xã hội. Nhưng chưa cần đến lúc đó, thì cái giá phải trả của xã hội nói chung sẽ lớn hơn nhiều so với những nguồn lợi cá nhân thu được. Giá đất được đẩy lên đương nhiên sẽ đẩy giá thành các công trình công cộng lên cao, và nguồn lực công cộng vốn ít ỏi, sẽ hoặc là không thể gánh nổi, hoặc sẽ phải cắt giảm các nhu cầu thiết yếu khác. Giá đất cũng sẽ khiến các không gian công cộng vốn đang rất thiếu ở đô thị bị thu hẹp dần và biến mất, cuộc sống đô thị sẽ tù túng và chật hẹp hơn. Những câu chuyện như vậy sẽ khiến chúng ta sẽ cần nhiều quan chức có thể hành động như ông Bí thư Thái Bình, không vì những lợi ích ngắn hạn trước mắt mà “ăn cả tương lai” bằng việc đẩy giá đất lên cao, cao mãi…
----- Đây là góc nhìn của tác giả Phạm Quang Vinh về câu chuyện sốt đất. Tác giả là một doanh nhân và là cộng tác viên lâu năm của VOV Giao thông. Nguồn: https://vovgiaothong.vn/chuyen-hom-nay-an-ca-tuong-lai-d25859.html