top of page
Ảnh của tác giảIncognito

'Găm đất ngồi không cũng thành tỷ phú'

Thực trạng sốt đất đã nảy sinh tâm lý người người gom đất, ôm đất với hy vọng chẳng làm gì cũng một ngày thành tỷ phú.


Thời gian qua, những cơn sốt đất đang ngày một tăng nóng giữa bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn. Sốt đất diễn ra khắp nơi trên toàn quốc, trên các diễn đàn diễn ra các cuộc tranh luận về nguyên nhân có phải cầu vượt quá cung hay là chiêu trò găm đất thổi giá? Và giá đất tăng chóng mặt như vậy thì có lợi hay có hại?


Nhiều ý kiến cho rằng giá đất tăng là điều tất yếu khi kinh tế ngày một phát triển, các khu đô thị ngày một đông đúc hơn. Trong đó, những người có đất hay những người ôm đất từ trước đương nhiên được hưởng thành quả vì họ đã hết sức nỗ lực, cố gắng trong quá khứ để giờ hưởng quả ngọt. Đối lập với ý kiến trên là nhiều ý kiến cho rằng giá đất tăng chóng mặt như vậy sẽ gây hại cho xã hội nhiều hơn: bất bình đẳng giàu nghèo, hành vi ôm đất gây lãng phí tài nguyên, năng lực nguồn vốn quốc gia chỉ tập trung ôm đất, không đầu tư cho nghiên cứu sản xuất kinh doanh, hệ lụy lâu dài dẫn đến chậm tiến bộ xã hội...


Để phân tích rõ hai luồng tư tưởng này, tôi xin dẫn chứng các câu chuyện có thật đã được đưa ra để mọi người cùng phân tích đóng góp:


Câu chuyện thứ nhất: 5 năm trước, người mẹ bán mảnh đất ở quê với giá 500 triệu đồng để đầu tư cho con ăn học. Giờ mảnh đất đó có giá hơn 2,5 tỷ đồng, trong khi người con ra trường, làm việc, thu nhập 10 triệu đồng một tháng, không đủ tiền để mua lại mảnh đất đó nữa. Ngay cả khi giá đất không tăng tiếp, người con cũng cần ít nhất hơn 25 năm lao động miệt mài (chưa tính đến chi phí sinh hoạt cho bản thân). Vậy phải chăng người con đã kém cỏi không nỗ lực và người mẹ đã đầu tư sai?


Câu chuyện thứ hai: Cũng 5 năm trước, người mẹ bán mảnh đất giá 500 triệu đồng để đầu tư cho con đi xuất khẩu lao động nước ngoài với mong muốn có thu nhập tốt hơn lao động trong nước. Người con đi xuất khẩu lao động làm việc với mức lương 50-60 triệu đồng một tháng tại nước ngoài. Sau hơn 5 năm, người con cũng gom góp được khoản tiết kiệm gần ba tỷ đồng. Nhưng lúc này, mảnh đất mẹ bán năm xưa đã có giá hơn ba tỷ đồng (muốn mua lại cũng không nổi). Vậy phải chăng người mẹ ở đây đã sai và người con đã mất 5 năm tuổi xuân làm việc một cách vô nghĩa?


Quay trở lại với người đã mua đất của hai bà mẹ ở trên, trong 5 năm qua, họ chẳng cần làm gì, chỉ găm đất và ngồi chơi uống nước cũng tự nhiên đút túi khoản chênh lệch giá đất rất lớn (bằng hoặc thậm chí hơn 5 năm đi xuất khẩu lao động làm việc cật lực ở nước ngoài). Vậy có phải những người này đã cố gắng và nỗ lực nhiều hơn những người khác để giàu có hay không?


Nhìn rộng ra để thấy, đây là thực trạng chung của xã hội hiện giờ. Vấn đề là giá trị đất tăng thêm như vậy lấy ở đâu, tiền ở đâu ra? Còn những người ôm đất, thổi giá có phải là những người nỗ lực, cố gắng làm việc nhiều hơn những người lao động chân chính khác để giàu có? Hay chính họ đang lợi dụng lỗ hổng chính sách để ăn mòn trên sức lao động của người khác?


Chính thực tế này đã nảy sinh tâm lý người người gom đất, ôm đất với hy vọng chẳng làm gì cũng một ngày thành tỷ phú. Từ đó, dẫn đến thực trạng người có nhu cầu mua ở thực lại không mua nổi đất, trong khi kẻ mạnh tay ôm gom găm đất, để hoang hóa hàng chục năm, chờ người chấp nhận mua với giá cao.


Một câu hỏi nữa là giá đất tăng có phải do thiếu đất hay nhu cầu quá lớn không? Và tăng chủ yếu do "cò" thổi giá hay đang còn nguyên nhân khác khi thời gian qua tình trạng đấu giá đất dân sinh, đất quy hoạch tái định cư tại địa phương đã có giá khởi điểm trên trời? Mặc dù là khu vực nông thôn chứ chưa nói tới thành thị.


Giá khởi điểm đấu giá đất tại nông thôn năm sau cao hơn năm trước theo cấp số nhân nhưng dựa vào đâu để các nhà thẩm định đưa ra mức giá khởi điểm như vậy ở nông thôn? Ai giám sát và ai chịu trách nhiệm cho việc làm này ở mỗi địa phương trên khắp mọi miền tổ quốc? Kính mong các độc giả cùng phân tích, đóng góp ý kiến, chia sẻ những câu chuyện của mình, chuyện nơi mình sống, để cho ra cái nhìn chuẩn xác nhất, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp, bền vững hơn.


Theo: ĐVN

Nguồn: https://vnexpress.net/gam-dat-ngoi-khong-cung-thanh-ty-phu-4444983.html

bottom of page