top of page

Giá nhà đất tăng, mua bán vắng lặng

Sau đấu giá đất Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM) với giá kỷ lục 2,4 tỉ đồng/m2, giá đất trong khu vực này và xung quanh lập tức được người sở hữu rao bán tăng lên 20-40% nhưng hầu như không có giao dịch.

Bảng treo bán nhà tại quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trước đó, sau khi hết giãn cách xã hội vào đầu tháng 10, nhiều người dân tại các thành phố lớn đổ xô đi các nơi xem đất khiến giá đất nhiều nơi có hiện tượng tăng cao. Tuy nhiên, giao dịch đất so với trước kia rất chậm, người đi xem nhiều nhưng mua bán thành công không tương xứng.

Ăn theo đấu giá: qua đêm tăng thêm... nhiều tỉ

Theo các môi giới bất động sản khu vực quận 2 (cũ), ngay sau khi 4 lô đất tại Thủ Thiêm được đấu giá thành công với mức giá cao nhất lên đến 2,4 tỉ đồng/m2, các chủ nhà đất tại khu vực này và lân cận đã đồng loạt thông báo nâng giá bán.

Trong đó, các loại nhà phố có mức tăng giá mạnh nhất từ 2 - 15 tỉ đồng/căn so với trước đấu giá. Anh Văn Hòa - môi giới bất động sản phân khúc căn hộ và nhà phố tại Thủ Thiêm - cho biết các chủ nhà chủ động nâng giá bán hoặc thông báo ngưng giao dịch để đợi "xem tình hình" sau khi đấu giá thành công.

Như giá nhà phố tại Đại Quang Minh tăng tùy diện tích. Ví dụ, căn diện tích đất 120m2 (gồm 1 tầng hầm và 5 tầng nhà) tăng từ 60 - 70 tỉ đồng/căn lên 63 - 80 tỉ đồng/căn, mức tăng từ 3 - 10 tỉ đồng/căn. Tại các khu vực xung quanh, như Thủ Thiêm Lakeview, cũng có mức tăng giá mạnh từ 2 - 5 tỉ đồng/căn, cá biệt có nhiều chủ nhà tăng giá thêm 9 - 10 tỉ đồng/căn chỉ sau một đêm.

"Đây hoàn toàn là do các chủ nhà chủ động tăng giá bán để ăn theo giá đấu giá, chứ không phải do nhu cầu. Thực tế sau khi tăng giá đến hết tháng 12, hầu như không có giao dịch thành công, có thể vì người mua cũng sốc vì giá tăng nhanh quá" - anh Văn Hòa cho biết.

Giá căn hộ cũng có sự "ăn theo" thông tin đấu giá đất Thủ Thiêm dù cả năm trước đó đã nhiều lần tăng giá bất chấp dịch bệnh COVID-19. Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), đã có thông tin về một số chủ đầu tư "té nước theo mưa", dừng bán hàng hoặc chấp nhận chịu phạt hợp đồng để "găm" hàng, nghe ngóng chờ cơ hội tăng giá và thực tế giá nhà đất trên địa bàn TP Thủ Đức đã tăng mạnh so với trước đây.

Anh Văn Hòa cho biết có chủ đầu tư đã đóng giỏ hàng cũ để chuẩn bị mở bán đợt mới với giá bán tăng ít nhất 5% so với trước. "Đây vẫn chủ yếu do ăn theo thông tin đấu giá, môi giới bán theo tín hiệu bên bán chứ không phải do nhu cầu quá cao. Có chủ nhà cần tiền trả nợ vẫn đang bán với giá cũ" - anh Hòa cho hay.


Giá cao chẳng có người mua

Anh Toàn - một nhân viên môi giới khu vực đường Lò Lu, quận 9 cũ (TP Thủ Đức) - cho hay: "Cả tháng nay, những chủ nhà gửi hàng cho tôi bán đều rút lại không bán nữa, trừ số rất ít trường hợp những nhà thực sự kẹt tiền. Một số thì nâng giá 5 - 10 triệu/m2 so với trước".

Tuy vậy, theo anh Toàn, tình hình thị trường rất "vắng lặng", không bán được hàng. "Từ sau khi mở cửa trở lại đến nay nếu bán được căn nhà nào thì cũng do nhà đó đang rất cần tiền, chấp nhận bán giá thấp. Chứ mặt bằng giá này cao, không ai mua".

Ông Nguyễn Văn Tuấn (36 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) - một nhà đầu tư đất đai - cho biết do có nhu cầu mua nhà đất ở khu vực phường Linh Xuân và phường Trường Thọ (TP Thủ Đức) nên theo dõi khá sát.

Theo ông Tuấn, thời gian qua do dịch nên giá bất động sản ở khu vực này chững lại, neo giá cao, có những mảnh đất rao 6 tháng đến cả năm vẫn chưa bán được. Hiện những mảnh đất rao bán trên các sàn giao dịch đất đai chủ yếu là những miếng cũ đã rao đi rao lại giữa các "cò", chênh lệch qua mỗi lần rao khoảng 50 - 100 triệu đồng. Thậm chí, có miếng đã hạ giá sau nhiều lần rao đến gần 300 triệu đồng nhưng vẫn chưa bán được.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Ngô Quang Phúc - tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Phú Đông (Phú Đông Group) - cho hay các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng không nhỏ tới giao dịch vì "tâm lý giá mới".


"Chúng tôi đang chuẩn bị mua một miếng đất với giá trước đó đã thương lượng nhưng nay họ thông báo không bán nữa, họ muốn đàm phán để có giá mới nhưng giá họ kỳ vọng quá cao, ảnh hưởng đến chi phí đầu tư của doanh nghiệp" - ông Phúc chia sẻ và cho rằng thị trường bất động sản TP.HCM đang trở nên khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Minh Đức - giám đốc Công ty CP Anh Em Group - chia sẻ ngay phân khúc giá cao, từ 20 tỉ đồng trở lên, việc mua bán hiện cũng chững lại, chậm hơn rất nhiều so với trước.


Người trẻ khó mua được nhà

Chị Trần Mỹ Dung (29 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết gia đình mong muốn mua một căn nhà phố với diện tích vừa đủ ở khu vực quận Phú Nhuận, thời gian qua tìm hiểu nhưng giá đã tăng lên quá nhanh, đến nay vẫn chưa mua được.

Theo chị Dung, hai vợ chồng tìm nhà có diện tích khoảng 30-35m², song với diện tích này ở khu vực Phú Nhuận đều có giá từ 3,5 tỉ đồng trở lên, nhà có diện tích lớn hơn một chút giá lên đến 5 - 6 tỉ đồng.

"Hai vợ chồng trẻ, còn có con nhỏ nữa, nếu phải vay cỡ 1 tỉ đồng là cũng thấy "ngộp thở". Càng cố để dành tiền mua, giá nhà đất lại càng tăng cao" - chị Dung buồn bã.

Theo HOREA, với giá trúng đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm quá cao có thể tác động tiêu cực lan tỏa đến tất cả các phân khúc thị trường bất động sản, gây trở ngại rất lớn cho việc thực hiện mục tiêu kéo giảm giá nhà, trước hết là mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, "nhà ở thương mại giá phù hợp" tại TP.HCM.

Dẫn chúng tôi đi tìm hiểu các miếng đất tại khu vực phường Tam Bình (TP Thủ Đức), bà Phương Mai (môi giới bất động sản) giới thiệu những căn nhà có diện tích từ 30-40m² trong các con hẻm vừa nhỏ vừa sâu. Với diện tích này, giá bán bà Mai đưa ra từ 2 - 4 tỉ đồng tùy theo vị trí.

Theo bà Mai, với phân khúc này, người có nhu cầu mua ở thực sự khá nhiều, song do dịch bệnh khiến thu nhập giảm sút nên nhiều người, nhất là các gia đình trẻ, dù đến xem và muốn mua nhưng sau khi tính toán vẫn không mua được. Bà Mai cho hay hiện 70-80% người đi "săn hàng" là giới đầu tư, còn người mua để ở thực sự chỉ chừng dưới 30%.


"Con dao hai lưỡi" Theo HOREA, giá đất quá cao thoát ly giá trị thực không phù hợp với "quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu" và không phù hợp với thực tiễn của thị trường bất động sản, lại có thể trở thành "con dao hai lưỡi" vừa thiệt hại cho người tiêu dùng, vừa có thể bất lợi cho chính các chủ đầu tư. Bởi giá quá cao chỉ có ôm hàng. Giá trúng đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm quá cao có thể tác động tiêu cực lan tỏa đến tất cả các phân khúc thị trường bất động sản theo hiệu ứng "bình thông nhau", gây trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu kéo giảm giá nhà ở thương mại, trước hết là mục tiêu phát triển "nhà ở thương mại giá phù hợp" tại TP.HCM. "Hiện nay, thành phố gần như không thể tìm ra dự án nhà ở thương mại có mức giá dưới 30 triệu đồng/m2" - ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HOREA, nói.


Khéo léo giảm giá để bán Mặc dù thị trường cuối năm nhưng giao dịch bất động sản tại TP.HCM và khu vực TP Thủ Đức nhìn chung trầm lắng. Anh Hoàng Thắng - một môi giới lâu năm tại khu vực đường Võ Văn Hát (TP Thủ Đức) - cho hay mọi năm hai tháng giáp Tết bán được ít nhất 2 căn nhưng năm nay chưa bán được căn nào. "Ảm đạm lắm, không có khách luôn" - anh Thắng buồn nói. Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy trong diễn biến giá tăng nhưng khách thực mua hiếm, một số công ty bất động sản sẵn sàng tặng 100 - 300 triệu đồng/lô đất cho khách chốt nhanh để đẩy hàng. Tới một đơn vị môi giới cho công ty bất động sản N., có dự án tại khu đông Thủ Thiêm, My - nhân viên kinh doanh - nói: "Công ty em chỉ còn khoảng 15 lô, đây là đợt bán hàng cuối nên có chính sách tặng tiền mặt cho khách giao dịch sớm 200 - 300 triệu, trừ vào giá mua luôn". Theo đó, công ty này đã tăng giá nhiều so với đợt mở bán đầu tiên, nhưng để tìm người mua, công ty cho môi giới giảm giá trực tiếp trên sản phẩm bằng tiền mặt cho khách hàng. Theo một chuyên gia bất động sản, công ty này đang chơi chiêu "giá rẻ hơn thị trường" để đẩy hàng vì hàng không bán được trên mặt bằng giá cao hiện nay.


* Ông Ngô Quang Phúc (tổng giám đốc Phú Đông Group): Gây hệ lụy lớn cho thị trường Nghịch lý ở chỗ người bán có tâm lý tạm dừng bán chờ giá cao. Trong khi doanh nghiệp cũng đắn đo với mặt bằng giá mới khó có thể làm được. Tâm lý giá mới này vô hình trung sẽ làm khan hiếm nguồn cung, có thể ảnh hưởng tới cả chủ đầu tư chuẩn bị ra dự án mới. Hệ lụy là làm suy giảm nguồn cung và cả sức mua của thị trường. Không có sức mua, cả thị trường bất động sản khó khăn, chủ dự án và người mua lãnh đủ.


Chấn chỉnh tình trạng đấu giá đất cao bất thường Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết bộ này đã có văn bản yêu cầu các địa phương chấn chỉnh thị trường bất động sản, yêu cầu các địa phương báo cáo về biến động giá nhà đất trên địa bàn. Bộ cũng đưa ra chỉ đạo chung để khỏi "chỗ này chạy sang chỗ kia", đề phòng tình huống như Thủ Thiêm (TP.HCM) lan sang các địa phương khác. Hiện nhiều nơi đang có tình trạng tăng giá đất, nên bộ phải đưa ra chỉ đạo chung để các địa phương chấn chỉnh quản lý, rà soát để báo cáo. Trước đó, ngày 24-12-2021 Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đã ký văn bản 5370/BXD-QLN đề nghị các địa phương khẩn trương đánh giá và kiểm soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản và tăng cường quản lý tình hình thị trường. Theo đó, Bộ Xây dựng khẳng định thời gian qua tại một số địa phương xảy ra trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có trường hợp cao bất thường, có thể tạo tác động tiêu cực đối với thị trường nhà ở, bất động sản. Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung rà soát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường. BẢO NGỌC

Nguồn: tuoitre.vn

bottom of page