top of page
Ảnh của tác giảIncognito

Hàng trăm nghìn môi giới bất động sản bất ngờ “mất việc”

Thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, thậm chí, doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động.

Thị trường bất động sản đang gặp phải hàng loạt khó khăn, nhiều năm trở lại đây nguồn cung liên tục trong trạng thái khan hiếm. Đến đầu năm 2022, các chính sách về tiền tệ bị kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể là tín dụng ngân hàng vào bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, đây là 2 dòng tiền quan trọng nhất của thị trường. Dòng tiền bị thắt chặt, kéo theo đó thanh khoản trên thị trường cũng sụt giảm nghiêm trọng. Theo đó, hoạt động môi giới cũng trở nên trầm lắng, nhiều nhân sự đột nhiên “mất việc”. Thông tin về tình hình thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, nguồn cung của thị trường đã sụt giảm rõ rệt. Trong 9 tháng đầu năm 2022, chỉ có khoảng 40.000 sản phẩm mới được đưa vào giao dịch, chỉ tương đương khoảng 20% so với năm 2019. Tỷ lệ hấp thụ đạt mức thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay, khoảng 30%. Các cơ cấu sản phẩm của bất động sản cũng đang có những dấu hiệu của sự bất hợp lý, không phù hợp nhu cầu thực của đại bộ phận dân chúng, tồn kho trên thị trường chủ yếu đến từ bất động sản cao cấp. Giá bất động sản bị đẩy lên cao, không phù hợp với khả năng thanh toán cũng như nhu cầu của người dân. Áp lực tăng giá đầu vào phát triển bất động sản cũng rất mạnh, từ vật liệu xây dựng, máy móc, nhân công, chi phí vốn... Nguồn vốn được coi là mạch máu, là nguồn oxy của thị trường thì đang có dấu hiệu bị “khoá van”. Theo ông Đính, doanh nghiệp phát triển bất động sản đang trong tình trạng "đói vốn", khó tiếp cận với các kênh dẫn vốn; thanh khoản yếu dẫn đến sụt giảm doanh thu mạnh, trong khi chi phí tiếp cận tài chính, chi phí nguyên vật liệu tăng. Không ít doanh nghiệp đã phải dừng, hoãn nhiều dự án đang triển khai, thậm chí sa thải bớt nhân viên.

"Chúng tôi mới thống kê ở các đơn vị môi giới, sàn giao dịch bất động sản trong phạm vi một phân khúc, khoảng hơn 100.000 nhân viên môi giới đã phải nghỉ hoặc chuyển sang công việc khác", ông Đính cho biết. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết, hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái và có một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cũng đang rất khó khăn, đặc biệt là “rủi ro” bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản, thể hiện qua việc một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các biện pháp để tồn tại. Cụ thể, một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, trì hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO), mà điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước. Theo vị chuyên gia, một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (thậm chí có Tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống người lao động. Mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, trong nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản có hiện tượng phát triển nhanh về giá và lượng giao dịch ở nhiều phân khúc bất động sản và tại nhiều địa phương trên cả nước kéo theo sự phục hồi, hoạt động trở lại của các sàn giao dịch bất động sản; thu hút số lượng lớn người tham gia môi giới đặc biệt là môi giới tự do, giao dịch bất động sản. Tuy nhiên, đến quý III/2022, thị trường bất động sản có sự điều chỉnh, lượng giao dịch bất động sản đã giảm so với thời điểm đầu năm dẫn đến quy mô của các sàn giao dịch bất động sản giảm, số lượng môi giới bất động sản cũng giảm theo. Anh Nguyễn Thanh Tùng, Chủ một phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết, hiện nay, các sàn môi giới cũng ít giao dịch, do vậy, buộc phải cắt giảm nhân sự, thu gọn mô hình kinh doanh để tồn tại. Theo anh Tùng, những năm qua, lực lượng môi giới mới vào thị trường rất nhiều. “Giao dịch xuống thấp, miếng bánh phải chia nhỏ hơn, nhiều người buộc phải chuyển nghề để ổn định thu nhập. Song, những nhân sự bị cắt giảm hay chuyển nghề đều là những người mới. Còn những môi giới lâu năm, có tệp khách hàng rộng, tích sản lớn và khả năng ứng biến linh hoạt với thị trường vẫn tiếp tục bám nghề”, người này nói.

Thanh Phong Nhịp sống thị trường Nguồn: https://markettimes.vn/hang-tram-nghin-moi-gioi-bat-dong-san-bat-ngo-mat-viec-9125.html

bottom of page