top of page

Khoảng 170.000 tỷ đồng được các ngân hàng bơm ra nền kinh tế trong 10 ngày cuối năm 2022

Dù bật tăng khá mạnh trong những ngày cuối năm, song tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 vẫn thấp hơn khá xa so với định hướng 15,5 - 16%.


Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với địa phương ngày 3/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng trong năm 2022 ước tăng 14,5% so với cuối năm 2021.


Trước đó, theo số liệu được ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước công bố, đến ngày 21/12/2022 tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021.


Như vậy, chỉ trong 10 ngày cuối năm, dư nợ tín dụng đã tăng thêm khoảng 1,63 điểm %, tương ứng quy mô hơn 170.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 vừa được điều chỉnh lên 15,5 - 16%, thì tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn 1 - 1,5%, tương đương 104.000 – 157.000 tỷ đồng so với mục tiêu.


Theo giới phân tích, sở dĩ tăng trưởng tín dụng tăng thấp so với định hướng 15% - 16% là vì năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau thời kỳ đại dịch vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cao hơn cũng làm giảm nhu cầu tín dụng. Đồng thời, ngân hàng siết chặt các quy định kiểm soát rủi ro khiến việc tiếp cận tín dụng không dễ dàng, đặc biệt là lĩnh vực chứng khoán, bất động sản.


Tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại trong năm 2023?


Trong báo cáo chiến lược mới phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ vào khoảng 11-12% cho cả năm 2023, thấp hơn mức mục tiêu 15,5-16% của năm 2022 do (1) nhu cầu tín dụng giảm trong bối cảnh lãi suất tăng cùng với các động lực tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm; (2) Quan điểm hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của nhà điều hành.


Theo VDSC, tăng trưởng tín dụng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng với danh mục khác nhau, đối với những ngân hàng có một trong những yếu tố sau (1) Hỗ trợ ngân hàng 0 đồng, (2) Hỗ trợ chi phí tài trợ kinh tế thông qua giảm lãi suất cho vay, (3) Có bảng cân đối ít phơi nhiễm với các lĩnh vực rủi ro; 4) chất lượng thanh khoản của các NHTM sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng cùng ngành.


Trước đó, VNDirect cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục chậm lại và đạt 11-12% trong năm 2023.


Nguyên nhân thứ nhất là do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và lãi suất tăng.


Đối với bất động sản, các chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn trầm lắng và lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng lên nhu cầu vay mua nhà.


Xuất khẩu – một trong những trụ cột tăng trưởng chính của Việt Nam – sẽ tăng trưởng chậm lại 9-10% trong năm 2023 (từ mức 14% trong năm 2022).


Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.


Nguyên nhân thứ hai khiến tăng trưởng tín dụng chậm lại, theo báo cáo, là do lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao, do mức tăng tiền lương 20,8% (có hiệu lực từ tháng 7/2023) và sự gia tăng ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng.


Căng thẳng thanh khoản cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng. Vào cuối quý 3/2022, các ngân hàng thương mại đều ghi nhận tỷ lệ dư nợ tín dụng trên huy động vốn (LDR) tăng mạnh, một số ngân hàng đã gần chạm ngưỡng quy định (85%).


Về phía NHNN, trao đổi tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2022, định hướng nhiệm vụ năm 2023, lãnh đạo cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng. Con số hạn mức tăng trưởng cụ thể cho năm tới chưa được công bố.


Tại cuộc họp, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhận định năm 2023, chính sách tiền tệ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mặt bằng lạm phát, lãi suất cao và sự dịch chuyển dòng vốn vẫn sẽ tiếp tục duy trì trên toàn cầu. Do đó, áp lực lạm phát nhập khẩu và tỷ giá là rất lớn trong năm 2023.


Vì vậy, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ được NHNN xem xét rất cẩn trọng, nhưng không có nghĩa cứng nhắc.


“NHNN luôn có thông điệp rõ ràng với thị trường, luôn hỗ trợ cung ứng vốn đẩy đủ, kịp thời cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát và luôn lấy kiểm soát lạm phát là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong điều hành tín dụng”, ông Quang cho biết.


Ngoài ra, nhìn vào cấu trúc kinh tế Việt Nam, rất nhiều tổ chức quốc tế đã cảnh báo tổng dư nợ trên GDP đã lên rất cao, cao nhất trong các nước có thu nhập trung bình thấp. “Với tốc độ GDP tăng khoảng 6-7% hàng năm mà chúng ta duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 12% sẽ gây áp lực rất lớn tới an toàn hệ thống tài chính”, ông Quang nhấn mạnh. Hiện năng lực tài chính của nhiều ngân hàng thương mại vẫn chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế.


Quang Hưng

Nhịp sống Thị trường

Nguồn: https://markettimes.vn/khoang-170-000-ty-dong-duoc-cac-ngan-hang-bom-ra-nen-kinh-te-trong-10-ngay-cuoi-nam-2022-13126.html

bottom of page