top of page
Ảnh của tác giảIncognito

Tiêm 'thần dược' tan mỡ, phẫu thuật 6 lần mới lành được vết thương

Tin vào lời quảng cáo với hứa hẹn giảm giá cực sốc cho vòng 2 thon gọn, nhiều phụ nữ giao cơ thể mình cho những người tay ngang làm đẹp, dẫn đến “tiền mất tật mang”.

Bệnh nhân N.A. (29 tuổi, quận 12) được điều trị 6 tháng, với 6 lần phẫu thuật mới lành được vết thương sau khi tiêm tan mỡ - Ảnh: THU HIẾN

Theo các chuyên gia y tế, nhiều cơ sở săn sóc sắc đẹp sử dụng thuốc tan mỡ có tên thương mại là Lipostabil chưa được cấp phép sử dụng, có sức tàn phá cơ thể cực kỳ lớn.


Hoại tử bụng vì quảng cáo lừa

Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết đã cấp cứu thành công cho 2 bệnh nhân gặp biến chứng nặng sau khi tiêm thuốc tan mỡ tại các cơ sở thẩm mỹ, có bệnh nhân phẫu thuật 6 lần mới lành được vết thương.

Bệnh nhân là chị N.A. (29 tuổi, quận 12, TP.HCM) được điều trị 6 tháng tại Bệnh viện Chợ Rẫy do biến chứng sau khi tiêm tan mỡ tại cơ sở thẩm mỹ. Theo lời kể của chị A., sau khi lên mạng Facebook thấy quảng cáo làm tan mỡ của một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn quận 1, chị liền đăng ký thực hiện.

Cơ sở này tư vấn dồn dập các gói giảm giá về tan mỡ, từ vài chục triệu giảm giá còn 13 triệu đồng, tiêm miễn phí luôn vào 2 bên đùi kèm vùng bụng. Chẳng hạn chị chỉ cần tiêm 1 liệu trình, thuốc tiêm vào như axit trái cây, đưa vô cơ thể sẽ nhanh chóng tan mỡ ra sau 3 tháng.

Do quá tin tưởng, chị liền giao cho cơ sở này tiêm các chất tan mỡ vào người mình nhưng không rõ liều lượng. Tuy nhiên, sau 10 ngày tiêm chị A. có biểu hiện sưng tấy, biến chứng.

Sau đó cơ sở thẩm mỹ này sắp xếp cho chị A. đi liên tiếp 4 nơi khác nhau để giải quyết biến chứng, với 5 lần mổ nhưng không lành. Sau đó người nhà tìm mọi cách đưa chị đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. Tổng chi phí điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy hơn 160 triệu đồng.

Tương tự, bệnh nhân thứ 2 là P.D. (38 tuổi, quận 4, TP.HCM) nhập viện và sau hơn 1 tháng điều trị bệnh nhân mới được xuất viện với chẩn đoán bệnh hoại tử vùng bụng và 2 đùi sau khi thực hiện tan mỡ tại một cơ sở trên địa bàn TP.HCM.

Trước đó không lâu, nữ bệnh nhân (50 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) tử vong sau 3 ngày hút mỡ bụng tại một cơ sở thẩm mỹ. Hiện Sở Y tế TP.HCM đã báo cáo vụ việc đến Bộ Y tế.


Không nên tin quảng cáo "mỹ miều"

TS Ngô Đức Hiệp, trưởng khoa phỏng, tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết chất làm tan mỡ tiêm vào bệnh nhân có thành phần chính là phosphatidylcholine (PCC), có tên thương mại là Lipostabil. Hiện nay, một số cơ sở săn sóc sắc đẹp quảng cáo thuốc tan mỡ Lipostabil như một thần dược. Các loại thuốc tan mỡ này chưa được Việt Nam cấp phép sử dụng.

Khi tiêm Lipostabil vào các mô mỡ, chất này dần dần phá hủy những tế bào mỡ, biến tế bào mỡ thành dạng nhũ tương. Bên cạnh việc phá hủy tế bào mỡ, Lipostabil còn phá hủy luôn màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh nằm trong vùng ảnh hưởng của thuốc.

"Đây là lần đầu tôi điều trị bệnh nhân biến chứng do tiêm tan mỡ nặng đến như vậy", bác sĩ Hiệp nói.

Bác sĩ Hiệp khuyến cáo hiện nay thuốc tan mỡ chưa được công nhận sử dụng trên thế giới, sử dụng thuốc tan mỡ giảm béo không có hiệu quả mà còn mang lại nhiều biến chứng. Tập thể dục, ăn uống lành mạnh đúng phương pháp khoa học là biện pháp giảm cân tốt nhất, không nên tin vào các quảng cáo, các thuốc tan mỡ để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

PGS Đỗ Quang Hùng, phó chủ tịch Hội Thẩm mỹ TP.HCM, cho biết sau dịch nhiều người ít vận động, cơ thể sẽ có nhiều khuyết điểm như tăng cân, béo phì sẽ dẫn đến nhu cầu làm đẹp ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 gây nguy cơ tăng động mạch máu xuất hiện. Do vậy, khi làm phẫu thuật bắt buộc phải được tầm soát kỹ như: tầm soát huyết khối, đo huyết khối tĩnh mạch với người trên 40 tuổi... đây là nguyên nhân dẫn đến dễ gặp phải biến chứng khi thẩm mỹ.

Bác sĩ Quang Hùng khuyến cáo người dân nên lựa chọn các cơ sở thẩm mỹ được sự cấp phép của Sở Y tế, các bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao có chứng chỉ hành nghề, có kinh nghiệm.

Người dân không nên tin bất kỳ quảng cáo nào trên mạng, hãy đến thực tế tại cơ sở, không tin vào những lời quảng cáo mỹ miều, chỉ là tiền mất tật mang.


Quản lý lỏng? "Hiện nay, có hàng ngàn cơ sở thẩm mỹ, spa chỉ thực hiện chức năng chăm sóc da nhưng lại lạm dụng thực hiện luôn các thủ thuật làm đẹp khác... do vậy rất khó cho công tác quản lý" - bác sĩ Hùng nói. Theo bác sĩ Hùng, để hạn chế được các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ "dỏm" này, nên giao cho UBND phường, xã chịu trách nhiệm với chính địa bàn của mình mới có thể kiểm soát được và phải có sự cố vấn của y tế phường, quận.

Nguồn: tuoitre.vn

bottom of page